Cách tập bú bình cho bé cần biết – BEBU bình sữa, bình ti, bình tập bú, bình tập ti tốt nhất hiện nay
 

Cách tập bú bình cho bé cần biết

Ngày:29/10/2018 lúc 16:18PM

Vấn đề lớn nhất hiện nay các bà mẹ đang gặp phải chính là Làm sao để bé chịu bú bình? Các mẹ lưu ý rằng quan trọng nhất của việc tập bú bình cho bé là mong các mẹ hãy kiên trì, kiên trì và kiên trì. Sau đây Bebu xin chia sẻ một số cách để trẻ bú bình tốt hơn:

 

THUẬN LỢI:


Trẻ sơ sinh từ khi sinh ra đã có phản xạ bú mút, việc có mẹ bên cạnh và hằng ngày cho con bú trực tiếp hẳn đã làm bé quen. Đến khi mẹ phải đi làm trở lại hoặc có những vấn đề khách quan không thể cho con bú trực tiếp được nữa, việc vắt sữa ra cho con bú bình là điều cần thiết. Vậy có 2 thuận lợi dễ nhìn thấy:


- Đối với mẹ: vẫn yên tâm khi không có mẹ mà con vẫn không bị đói.


- Đối với bé: vẫn được no bụng dù không có mẹ ở bên.

 

THỜI ĐIỂM TẬP CHO BÉ BÚ BÌNH tốt nhất?


Ngay từ khi có bầu, mẹ đã được mọi người khuyên sinh ra là phải cho con bú song song cả mẹ cả bình, nếu không sau này khó cho con bú bình lắm, kinh nghiệm nhiều chị đã phải đút từng thìa sữa cho con rất vất vả. Đối với các mẹ bầu chuẩn bị sinh: tùy vào đặc điểm từng bé và quan điểm của gia đình, nên cho con bú song song cả mẹ và bình từ khi bé mới được sinh ra đến lớn (tất nhiên là đến lúc mẹ bỏ bú), nếu mẹ nào muốn cho con bú mẹ hoàn toàn trong mấy tháng đầu thì đến khoảng 2 tháng rưỡi/3 tháng thì nên tập cho bé bú bình. Vì sao lại thời điểm này, đây là thời điểm mà bé đã bắt đầu nhận biết nên nếu tập muộn hơn có thể sẽ khó khăn cho mẹ và gia đình.



- Đối với mẹ đã sinh bé: nên tập cho bé từ 2 tháng rưỡi/3 tháng, hoặc là càng sớm càng tốt. Các mẹ đến với shop co me chuan bi sinh, lớn cũng hơn 20 tháng, có bé tập rất nhanh 1 lần là chịu bú, có bé khó mẹ phải tập cả tuần, nhưng rồi cuối cùng cũng thành công. Nên các mẹ bắt đầu tập ở thời điểm nào cũng không phải là muộn đâu! Một lưu ý là đối với 1 số bé nếu được tập bú bình quá sớm có thể gây tác dụng ngược là bé không thèm bú mẹ nữa. Do đó thời điểm 2 tháng tuổi là phù hợp nhất để mẹ tiến hành cho số đông các bé nhé!.

 

MẸ CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ?

 

Thứ nhất: Tâm lý


Vì có bé tập rất dễ nhưng có bé cực kì khó, nên việc đầu tiên mà mẹ và người thân trong gia đình cần chuẩn bị là tâm lý thật vững. Vì khi bé không chịu bú bé sẽ quẫy khóc, kèm theo đó là bé sẽ đói bụng, nhiều lần như vậy có bé sẽ ốm đi trông thấy. Làm ba, làm mẹ nhìn con khóc, con đói không ai không xót, và như thế nếu nản chí “thôi cho ngậm ty mẹ cho rồi, mai tập lại cũng được” thì như thế theo phản xạ cứ khóc là được đáp ứng, bé sẽ học rất nhanh và những lần sau dần dần bé sẽ “điều khiển” được cả nhà, càng ngày càng khó tập!

 

Thứ hai: Người phụ giúp



Có nhiều bé quen hơi mẹ vì được bú mẹ hằng ngày, đến khi mẹ tập với bình sữa thì sẽ khó hơn người nhà tập. Do đó các mẹ nên nhờ ba của bé hoặc người thân trong nhà trực tiếp tập cho bé bú. Có thể lúc đầu bé không chịu nhưng khi đói bụng quá bé sẽ “tạm chấp nhận” - hợp tác 1 lần, 2 lần rồi dần dần bé sẽ bú ngoan!

 

Thứ ba: Sữa mẹ


Để bé có thể bú bình một cách ngon lành thì chắc chắn thức uống cho bé sẽ phải là sữa mẹ. Các mẹ nên hút sữa ra cho vào bình để bé bú. Để việc hút sữa dễ dàng và thường xuyên, các mẹ nên chuẩn bị một máy hút sữa. Máy hút bằng tay thì rẻ, nhưng nhược điểm là hút cực kì mỏi tay, nhất là với các mẹ mới sinh dậy cần được nghỉ ngơi. Hút sữa xong nếu bé chưa bú liền thì mẹ phải bảo quản đúng cách tránh làm hư sữa và mất chất dinh dưỡng. Nếu bé bú liền thì mẹ chỉ nên cho vào bình vừa đủ một lượng cho bé bú, phần còn lại bảo quản, không thôi bé bú không hết bỏ đi thì phí mà cho bé dùng lại thì không được.

 

Cuối cùng: Lựa chọn bình sữa phù hợp

Núm ty


Núm ty chính là bộ phận quan trọng nhất của bình sữa quyết định bé có chịu bú hay không. Để lựa chọn núm ty, các mẹ phải dựa trên đặc điểm núm ty của mình, có mẹ ty tròn - ty dẹt, có mẹ ty nhỏ - ty to, chính vì thế trên thị trường mới có vô vàn bình sữa với đủ kiểm núm ty khác nhau, nhưng dù hình dạng thế nào thì núm cũng phải mềm mại để bé có thể bú được song song cả 2 mà ít thấy sự khác biệt nhất. Bên cạnh đó, vì hầu hết các mẹ đều có bầu ngực lớn, nên theo shop các mẹ nên lựa chọn một chiếc bình cổ rộng, như thế bầu núm ty cũng sẽ to, bé bú sẽ có cảm giác gần giống như ty mẹ nhất. Ngoài ra để lựa chọn núm ty phù hợp mẹ còn phải xem xét đến tốc độ dòng chảy của ty giả có gần giống với dòng chảy của sữa mẹ hay không, núm ty làm bằng cao su hay silicone, có mùi cao su hay không…

 

+ Sơ sinh thì dùng núm 1 lỗ - 1 tia (tốc độ chảy chậm nhất)


+ Trên 3 tháng thì dùng núm 2 lỗ - 2 tia (tốc độ chảy trung bình)


+ Trên 6 tháng thì dùng núm 3 lỗ - 3 tia (tốc độ chảy nhanh)

 

Thông số trên đúng với phần đông các bé, riêng các bé háu ăn thì mẹ có thể tăng size núm cho bé mà không cần đợi đến tháng. Riêng dòng bình COMOTOMO thì có thêm núm Y - cut khoét chữ Y chính giữa, dành cho các bé bú cực mạnh (trên 1 tuổi - loại núm này dòng chảy như ống hút của một số bình tập uống của các hãng bình sữa khác)

 

Bình sữa


Khi mẹ lựa chọn được núm ty rồi thì bình sữa chỉ là yếu tố ăn theo. Bình nhựa PP được sử dụng nhiều nhất vì tính tiện lợi. Nhưng các mẹ lưu ý nên chọn loại không chứa BPA (trên vỏ hộp hay ghi BPA free). Tuy nhiên dùng một thời gian thì thấy bình nhựa đúng là nhẹ, tiện nhưng nếu vệ sinh nhiều bằng cọ rửa sẽ bị xước bên trong bình, mà ở các chỗ xước đó cũng chứa được vi khuẩn, chất bẩn, thế nên dùng một thời gian là phải thay bình (sớm thì 6 tháng, lâu thì 1 năm).

 

+ Chất liệu tốt mới được ứng dụng đó chính là silicone y tế, rất mềm, có thể bóp thân bình mà không bị biến dạng, tuyệt đối an toàn cho trẻ sơ sinh. Loại này nếu các mẹ sờ vào và bóp nhẹ chắc hẳn cũng thích vì nó mềm mại lắm.

 

Khi đã xong xuôi đầy đủ các yếu tố trên, giờ các mẹ bắt tay vào TẬP CHO BÉ BÚ BÌNH:

 


- Đối với các bé được mẹ cho bú song song cả mẹ cả bú bình từ khi sinh ra thì có thể chỉ cần áp dụng bú xen kẽ: cữ mẹ - cữ bình và duy trì hằng ngày; tuy nhiên các bé lớn hơn sẽ khó tập hơn thì các mẹ có thể thực hiện theo các cách sau:

 

1. TẬP VỚI TY GIẢ TRƯỚC: Sau khi mua bình và núm về, mẹ nên tiệt trùng và cho bé làm quen với ty giả trước thay vì cứ “nhét” vào miệng bé, bắt bé “chịu đựng” thứ “lạ lẫm” khi ăn. Mẹ có thể cho bé bú mút ty giả, hoặc các bé lớn mẹ cứ cho bé cầm chơi, cho mút hoặc nhai thoải mái. Khi bé đã quen thì mới bắt đầu bước tiếp theo.

 

2. TẬP VỚI CỮ BUỔI SÁNG: Trước tiên mẹ phải bỏ từ 1 - 2 cữ buổi sáng là cữ dễ tập nhất, bé đỡ quấy nhất. Nên bỏ cữ từ lúc bé mới thức dậy, khoảng 7 - 8h sáng và cữ 10 -10h30, đến cữ trưa 12h -13h mẹ mới nên xuất hiện và cho bú trực tiếp ty mẹ. Việc này MẸ PHẢI QUYẾT TÂM mới thành công được nhé! Bé nào dễ thì mẹ chỉ cần bỏ một cữ, bé nào khó hơn thì mẹ phải bỏ cả 2 cữ mới tập được. Vì nhiều bé có sức chịu đựng rất tốt, nhịn vài tiếng ở cữ sáng không chịu mút tí nào sữa trong bình, đến cữ kế tiếp mẹ xuất hiện cho con bú thì bé sẽ nhận ra điều đó và hôm sau bé sẽ cương quyết nhịn đói để đợi cữ sữa sau của mẹ. Nếu mẹ bỏ cả 2 cữ thì mẹ phải trốn ở trong phòng khác vào buổi sáng, cứ đến cữ mẹ lại vắt sữa vào bình đưa cho người tập bé bú.

 

Lưu ý người tập cho bé bú: Phải chăm cầm bình sữa cứ đút vào miệng bé thường xuyên để dụ cho bé bú, vừa tập phải vừa NỊNH bé, à ơi và vỗ về bé, bé có khóc hay xô đẩy bình sữa thì lại lấy ra, năm 3 phút sau lại đút ti vào miệng bé tiếp, cứ chịu khó như vậy là bé sẽ từ từ chịu mút ti nhựa vài cái rồi nhè ra cũng được, khi bé đói nhiều từ từ sẽ chịu bú. Lúc bỏ cữ bú nào thì mẹ phải trốn tiệt cữ đó để ông bà hay ai đó cho bé bú, mẹ mà có ở đó là kế hoạch bị phá sản ngay vì bé khóc mẹ chịu không nổi và bé cũng "đánh hơi" được mùi mẹ càng khóc dữ hơn.

 

3. TẬP VỚI CỮ BUỔI CHIỀU VÀ TỐI: Sau cữ buổi trưa 12h - 13h mẹ cho bé bú trực tiếp, buổi chiều và tối các mẹ nên bỏ từ 1 - 2 cữ nữa để bé có nhiều thời gian làm quen với bình sữa hơn. Thông thường cữ bú buổi chiều và buổi tối bé sẽ khó tập hơn buổi sáng nên mẹ phải cố gắng nhé. Lưu ý với việc bắt đầu luyện tập bỏ cữ chỉ nên thực hiện khi bé đói và buồn ngủ, không nên tiến hành những lúc bé ngủ say, nghẹt mũi hay khó chịu trong người.

 

4. MẸ ĐỪNG ÂU YẾM BÉ KHI CHO BÉ BÚ: Tới cữ mẹ cho bé bú, tâm lý bé sẽ tủi thân và nhõng nhẻo hơn với mẹ, còn mẹ thì thấy tội con quá lài càng ôm ấp, vuốt ve bé nhiều hơn cả ngày hôm đó… làm thế sẽ khiến cho việc tập bé bú bình ngày hôm sau đạt kết quả kém hơn, khó khăn hơn.Trong thời gian này mẹ nên “làm mặt lạnh” với con 1 tí, mới dễ tập hơn.

 

5. DUY TRÌ TƯ THẾ BÚ: Nếu mẹ là người luyện tập cho bé thì khi ẵm bé bú trực tiếp ty mẹ như thế nào thì ty bình hãy cứ giữ y chang tư thế đó. Việc tiếp xúc tối đa giữa mẹ và con sẽ làm bé yên tâm hơn, cảm thấy quen thuộc hơn. Mẹ nhớ giữ con chắc chắn, cẩn thận và nghiêng 45 độ, phòng trường hợp bé nôn trớ, sặc. Rồi sau đó hãy từ từ đưa núm ty giả vào miệng bé nhẹ nhàng theo hường từ môi dưới lên, đặt núm ty phía trên lưỡi bé. Cần cho bé ngậm hết đầu ty thay vì mớm mớm.

 

6. CẦM BÌNH CHO CON: Khi mới cho bé tập bú bình, mẹ/người thân cần học và chú ý cách cầm bình cho con. Cầm không đúng, bé mút sữa không đủ hoặc mẹ mất tập trung khiến núm vú không đầy sữa, làm bé nuốt phải khí, gây sặc, trớ. Mẹ cũng nên canh lượng sữa cho con thật phù hợp, không bắt con “ngốn” quá nhiều dù sữa trong bình vẫn còn, vì khi đó, bé dễ bị ọc trớ.

 

7. CHO CON CƠ HỘI “THỂ HIỆN”: Đối với các bé lớn đã biết cầm, nắm, sau khi bé đã quen với việc bú bình, mỗi lần ăn, đặt tay con lên bình cho con quen cảm giác. Dần dần, để con cầm bình còn mẹ/người thân đỡ bình phía dưới. Khi thấy con cứng cáp và có kĩ thuật thì bỏ tay, để con tự xử. Chú ý là chọn bình gọn vừa với độ tuổi và lượng sữa con cần, nếu bình quá to và nặng, bé chắc chắn “chào thua” ngay từ đầu.

 

Khi bé đã quen với bình sữa, với những bé mẹ muốn cho con thôi bú thì chỉ cần tăng cữ bú bình, giảm dần cữ bú mẹ. Tuy nhiên giảm cữ bú mẹ nhưng các mẹ cũng nên duy trì đều đặn lịch hút sữa cho con để con có thể uống được nhiều sữa mẹ nhất có thể, giảm thiểu tối đa dùng thêm sữa công thức. Sữa mẹ bảo quản đúng cách vẫn đủ chất dinh dưỡng và tốt hơn nhiều sữa công thức các mẹ nhé!

 

Bebu hi vọng bài viết sẽ là nguồn tham khảo hữu ích giúp các mẹ được phần nào trong công cuộc TẬP CHO CON BÚ BÌNH. Chúc các mẹ thành công!


Nguồn: tổng hợp

Nguyễn Hồng Thúy
Tin cùng chuyên mục :
BÌNH LUẬN
Danh mục blog